Tổng quan về các loài mycoplasma lây nhiễm qua đường máu trên lợn (Phần 2)
3. Dịch tễ học
3.1. Sự xuất hiện trên thế giới
Sự xuất hiện của haemoplasma trên heo nhà được báo cáo ở tất cả các châu lục. Hầu hết các dữ liệu công bố dựa trên các báo cáo trường hợp đơn lẻ và không có sự phân biệt giữa các loài haemoplasma khác nhau. ‘Ca. M. haemosuis’ mới được mô tả ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan và Đức.
Ngoài sự xuất hiện ở heo nhà, M. suis và M. parvum đã được phát hiện ở heo rừng ở Brazil (cả hai loài haemoplasma) và Đức (chỉ có M. suis).
3.2. Tỷ lệ nhiễm
Bảng 1 tóm tắt dữ liệu tỷ lệ mắc bệnh dựa trên các nghiên cứu đã công bố, sử dụng phương pháp sinh học phân tử. Ở phần lớn các nghiên cứu, mẫu được lấy từ các con vật khỏe mạnh, hoặc không có thông tin về lâm sàng. Ba loài haemoplasma của heo được phân bố rộng rãi, với tỷ lệ nhiễm lên đến 72,2%, trong đó tỷ lệ nhiễm của M. suis cao hơn so với M. parvum và ‘Ca. M. haemosuis’; tuy nhiên, nhiều dữ liệu về M. suis được thu thập hơn có thể là nguyên nhân dẫn đến điều này. Chỉ có hai trong số các nghiên cứu được trích dẫn, một từ Hàn Quốc và một từ Đức, cho phép so sánh trực tiếp ba loài haemoplasma của heo trong cùng một mẫu vật. Trong cả hai nghiên cứu, M. parvum được phát hiện thường xuyên hơn so với M. suis và ‘Ca. M. haemosuis’.
Tương tự, nghiên cứu của Watanabe et al., mô tả việc phát hiện M. parvum thường xuyên hơn so với M. suis. Nguyên nhân có thể do độc lực của M. parvum thấp hơn so với M. suis và ‘Ca. M. haemosuis’, khiến M. parvum lưu hành trong quần thể mà không bị phát hiện trong thời gian dài hơn, tạo cơ hội lây lan giữa các con vật.
Bảng 1. Dữ liệu được công bố về mức độ nhiễm của M. suis, M. parvum and ‘Ca. M. haemosuis’.
Đối tượng | Quốc gia | Nhóm heo | Mức độ nhiễm | Mức độ nhiễm | ||
Trên con vật | Trên đàn | |||||
M. suis | Brazil | Nái | 18.20% | (22/121) | 100% | (4/4) |
Heo con | 1.64% | (1/61) | 25% | (1/4) | ||
Heo đực | 25.00% | (1/4) | 25% | (1/4) | ||
Heo tại lò mổ | 76.20% | (112/147) | Không có thông tin | |||
Nái+heo đực | 54.70% | (35/64) | Không có thông tin | |||
Nái | 18.75% | (15/80) | 40.60% | (11/27) | ||
Pháp | Nái | 53.00% | (105/198) | 100% | (10/10) | |
Đức | Heo con | 10.60% | (17/160) | Không có thông tin | ||
Heo thịt | 13.90% | (164/1176) | 40.30% | (79/196) | ||
Heo tại lò mổ | 19.00% | (38/200) | 50.00% | (10/20) | ||
Nái | 31.25% | (65/208) | 76.20% | (16/21) | ||
Nái | 6.70% | (4/60) | Không có thông tin | |||
Heo con | 14.35% | (68/474) | Không có thông tin | |||
Heo đực | 0% | (0/0) | Không có thông tin | |||
Nhật | Heo thịt +nái | 5.00% | (6/120) | 9.10% | (1/11) | |
Hàn Quốc | Không phân loại | 0.20% | (3/1867) | Không có thông tin | ||
Thụy Sỹ | Nái | 19.00% | (19/100) | Không có thông tin | ||
M. parvum | Đức | Nái | 25.00% | (15/60) | Không có thông tin | |
Heo tại lò mổ | 36.00% | (72/200) | Không có thông tin | |||
Heo đực | 4.40% | (8/183) | Không có thông tin | |||
Nhật | Heo thịt + heo nái | 15.00% | (18/120) | 54.50% | (6/11) | |
Hàn Quốc | Không phân loại | 2.70% | (51/1867) | Không có thông tin | ||
‘Ca. M. haemosuis’ | Đức | Heo con | 4.50% | (28/622) | Không có thông tin | |
Nái | 6.25% | (13/208) | 14.28% | (3/21) | ||
Heo tại lò mổ | 17.50% | (35/200) | 45.00% | (9/20) | ||
Nái | 21.70% | (13/60) | Không có thông tin | |||
Heo đực | 0% | (0/0) | Không có thông tin | |||
Trung Quốc | Nái | 36.00% | (31/86) | Không có thông tin | ||
Heo thịt | 23.10% | (55/238) | Không có thông tin | |||
Hàn Quốc | Không phân loại | 0.10% | (1/1876) | Không có thông tin |
3.3. Đường truyền
Haemoplasma được biết đến là vi khuẩn lây truyền qua đường máu. Trong một số trường hợp, lây truyền qua các thủ thuật thú y do tái sử dụng kim tiêm và các biện pháp kỹ thuật chăn nuôi (ví dụ: thiến, cắt đuôi). Một số tài liệu chỉ ra rằng, haemoplasma có thể truyền qua các loài chân đốt hút máu (rận heo, ruồi chuồn, muỗi vàng…)
Trong các thử nghiệm lây nhiễm, M. suis và M. parvum được truyền thành công qua tiêm máu. Thử nghiệm truyền lây qua đường miệng chỉ thành công khi sử dụng liều M. suis cao, do đó, việc truyền qua đường miệng không đóng vai trò quan trọng trong điều kiện thực địa.
M. suis có thể truyền lây qua thụ tinh nhân tạo bằng tinh dịch nhiễm máu. Ngoài việc truyền ngang, truyền dọc của M. suis và ‘Ca. M. haemosuis’ từ heo nái sang con của chúng cũng đã được mô tả.
Sự bài tiết của M. suis không qua đường máu đã được chứng minh trong điều kiện thực nghiệm, DNA của M. suis được phát hiện trong nước bọt, nước tiểu, dịch tiết mũi và âm đạo trong các trường hợp nhiễm trùng thiếu máu cấp tính.
4. Chẩn đoán
4.1. Nuôi cấy
Mọi nỗ lực nuôi cấy haemoplasma của heo trong điều kiện in vitro cho đến nay đều thất bại, và các thử nghiệm trên động vật vẫn là phương pháp duy nhất có thể để nuôi cấy các vi khuẩn này.
4.2. Kính hiển vi
Soi kính hiển vi các tiêu bản máu là phương pháp tiêu chuẩn để chẩn đoán bệnh haemoplasmosis trong thời kỳ trước khi PCR ra đời. Tùy thuộc vào loại thuốc nhuộm và pH, haemoplasma xuất hiện dưới dạng các chấm màu đỏ nhạt đến đỏ tím trên bề mặt hồng cầu hoặc tự do trong huyết tương (Hình 3).

Hình 3. Tiêu bản nhuộm giemsa của heo nhiễm bệnh ‘Ca. M. haemosuis’. Các haemosuis xuất hiện dưới dạng những chấm nhỏ màu tím trên bề mặt hồng cầu (được biểu thị bằng mũi tên)
Ngoài ra, kính hiển vi huỳnh quang với tiêu bản máu nhuộm acridine orange thường được sử dụng để phát hiện M. suis, trong đó các tế bào vi khuẩn xuất hiện dưới dạng các chấm màu cam nhạt với ánh xanh vàng (Hình 4).

Hình 4. Tiêu bản nhuộm orange acridine của máu heo nhiễm suis. M. suis
Phương pháp soi kính có một số nhược điểm về độ nhạy và độ đặc hiệu. Kỹ thuật nhuộm có thể dễ dàng gây nhầm lẫn, dẫn đến sai sót trong kết quả kiểm tra. Hơn nữa, phát hiện qua kính hiển vi chỉ đáng tin cậy với một tải lượng vi khuẩn nhất định, những động vật bị nhiễm bệnh mãn tính thường có tải lượng vi khuẩn trong máu thấp hơn dẫn đến kết quả âm tính giả. Ngoài ra, kính hiển vi không phù hợp để phân biệt loài haemoplasma của heo.
4.3. Phương pháp sinh học phân tử
Các quy trình PCR truyền thống và Realtime PCR nhắm vào các gen đích khác nhau đã được công bố và sử dụng để phát hiện M. suis, M. parvum và ‘Ca. M. haemosuis’.
Ngoài phương pháp PCR, một số phương pháp phân tử khác để phát hiện mầm bệnh trực tiếp, như khuếch đại đẳng nhiệt qua vòng lặp (LAMP) hoặc lai tại chỗ, đã được công bố.
4.4. Phương pháp huyết thanh học
Các phương pháp huyết thanh học phát hiện kháng thể chống lại M. suis, nhưng không phát hiện được kháng thể chống lại M. parvum hoặc ‘Ca. M. haemosuis’. Tuy nhiên, các phương pháp huyết thanh học không được sử dụng phổ biến trong chẩn đoán nhiễm M. suis do việc thiếu kháng nguyên. Ngoài ra, các phản ứng chéo có thể xảy ra với các loài haemoplasma khác và mycoplasma không liên quan đến máu ở heo cần được nghiên cứu thêm.
5. Phòng ngừa và điều trị
Do không có vắc xin thương mại, hiện tại không có biện pháp phòng ngừa đặc hiệu nào chống lại haemoplasmas ở heo.
Xét đến con đường truyền bệnh phụ thuộc vào máu của haemoplasmas, việc ngăn chặn côn trùng cắn và hút máu cũng như thực hành sử dụng kim tiêm một lần có thể giúp giảm thiểu sự lây truyền.
Đối với cả ba loài haemoplasma ở heo, điều trị bằng kháng sinh sử dụng tetracycline đã được coi là thành công trong nhiều trường hợp để cải thiện tình trạng lâm sàng của động vật bị nhiễm cũng như giảm số lượng vi khuẩn trong máu. Tuy nhiên, việc loại bỏ hoàn toàn haemoplasmas thông qua điều trị kháng sinh không đạt được ở tất cả các trường hợp. Ngược lại, điều trị bằng kháng sinh đã không thành công trong trường hợp bệnh cấp tính do nhiễm trùng gây ra theo nghiên cứu của Groebel et al. Việc sử dụng glucose là một biện pháp hỗ trợ giúp chống lại tình trạng hạ đường huyết trong các trường hợp thiếu máu nhiễm trùng cấp tính do M. suis gây ra.
6. Kết luận
Các nghiên cứu hiện có cho thấy sự hạn chế về dữ liệu đối với ‘Ca. M. haemosuis’ và M. parvum so với M. suis. Việc tăng cường hiểu biết và kiến thức về cả ba loài haemoplasma ở heo có thể hỗ trợ các bác sĩ thú y trong việc nhận diện bệnh liên quan đến haemoplasma, giải thích kết quả chẩn đoán và đưa ra các quyết định liên quan đến phòng ngừa và điều trị.